Toàn cảnh kho tên lửa chống tăng đa quốc gia của Việt Nam

 

Trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam đã từng có cả tên lửa chống tăng do Mỹ sản xuất bên cạnh những loại tên lửa của Liên Xô/Nga.

1. 3M11 Fleyta (AT-2 Swatter)
Thông số cơ bản: Dài: 1,16m; Đường kính: 0,148m; Sải cánh: 0,68m; Trọng lượng: 27 kg (đầu đạn 5,4 kg HEAT); Tầm bắn: 0,5 - 2,5 km (Mod B: 3,5 km; Mod C: 4 km); Sức xuyên: 500mm giáp đồng nhất.
3M11 Fleyta là loại tên lửa chống tăng dẫn đường thủ công (MCLOS - Manual Command Line Of Sight) do Liên Xô sản xuất, NATO định danh cho loại tên lửa này là AT-2 Swatter. AT-2 được phòng thiết kế Nudelman OKB-16 phát triển với vai trò như một loại tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM - Anti Tank Guided Missile) hạng nặng nhằm trang bị cho cả trực thăng và phương tiện mặt đất.
AT-2 gặp phải cùng một số vấn đề như của 3M6 Shmel (AT-1 Snapper) như tầm bắn ngắn và có độ tin cậy không cao. Loại tên lửa này được điều khiển qua sóng vô tuyến thay vì dẫn hướng bằng dây, kiểu điều khiển này cho phép tên lửa bay nhanh hơn nhưng lại rất dễ bị gây nhiễu. Tên lửa 3M11 được giới thiệu cho Khrushchev vào tháng 9/1964 và được chấp nhận trang bị cho quân đội ngay sau đó.
AT-2 Swatter gắn trên trực thăng Mi-24A của Việt Nam
Tên lửa chống tăng AT-2 xuất hiện tại Việt Nam khá lâu sau khi AT-3 được đưa vào sử dụng, nó chủ yếu được trang bị cho trực thăng vũ trang Mi-24A và đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia những năm đầu thập kỷ 1980.